Cậu bé Greg Hoffman được mẹ tặng chiếc iPhone 5 nhưng được yêu cầu phải tuân thủ 18 quy định khắt khe. Ảnh: Phone Arena.
18 nguyên tắc đó như sau:
1. Đây là điện thoại của mẹ. Mẹ bỏ tiền ra mua nó và mẹ cho con “vay” chiếc iPhone này. Mẹ quả thực là vĩ đại phải không?
2. Mẹ luôn biết được mật khẩu là gì.
3. Nếu có điện thoại, hãy nhấc máy. Nó là điện thoại mà. Lời đầu tiên hãy nói xin chào và luôn nhớ cư xử đúng mực. Không bao giờ được “bơ” cuộc gọi từ bố hoặc mẹ. Không bao giờ.
4. Nộp điện thoại cho bố mẹ hàng ngày vào 7h30 tối những ngày thường và 9h tối những ngày cuối tuần. Điện thoại của con sẽ được tắt vào ban đêm và bật lại vào 7h30 sáng hôm sau. Nếu vì con sợ gặp bố mẹ bạn mỗi lần gọi tới máy bàn nhà họ mỗi tối thì hãy làm điều tương tự đối với di động. Hãy ghi nhớ những điều này và tôn trọng những gia đình khác trước, nếu con muốn được họ tôn trọng.
5. Không được mang điện thoại đến trường. Hãy nói chuyện trực tiếp với những người con định nhắn tin. Giao tiếp là một kỹ năng của cuộc sống. Những nguyện vọng mang máy theo vào những ngày học nửa buổi, đi tham quan hoặc hoạt động ngoại khoá sau giờ thì sẽ được xem xét đặc biệt.
6. Nếu điện thoại rơi xuống bồn cầu, rơi xuống mặt đất và vỡ hoặc “bốc hơi” trong không khí, con phải chịu trách nhiệm cho mọi phí tổn, cả sửa chữa lẫn mua mới để thay thế. Con có thể kiếm tiền bằng cách cắt cỏ, trông em hoặc nộp tiền sinh nhật. Trong trường hợp những việc trên có thể xảy ra, con nên chuẩn bị trước là vừa.
7. Không được dùng công nghệ để nói dối, lừa lọc những người khác. Không cho phép mình tham gia vào những cuộc trò chuyện có thể gây tổn thương cho người khác. Hoặc trở thành người bạn tốt ngay từ đầu, hoặc là tìm cách tránh mọi xung đột.
8. Không được nhắn tin, gửi email hoặc gọi điện với những nội dung mà con sẽ không bao giờ nói bằng lời.
9. Không được nhắn tin, gửi email hoặc gọi điện cho ai đó với nội dung mà con không bao giờ dám nói to với bố mẹ trong phòng khách. Hãy tự kiểm duyệt mọi hành vi của mình.
10. Điện thoại không dùng để xem hoặc chứa phim khiêu dâm. Tất cả nội dung tìm kiếm trên web phải được chia sẻ với mẹ. Nếu có thắc mắc, hãy hỏi người khác, tốt nhất là bố hoặc mẹ.
11. Tắt máy, để ở chế độ im lặng, hoặc cất đi mỗi khi con ra ngoài đường. Đặc biệt là khi con đang trong nhà hàng, rạp chiếu phim hoặc khi đang nói chuyện với người khác. Con không phải là người thô lỗ và đừng để chiếc iPhone làm thay đổi điều đó.
12. Không được gửi hoặc nhận các hình ảnh có liên quan đến những phần nhạy cảm trên cơ thể của con lẫn những người khác. Đừng cười khi đọc đến đây. Nếu không tuân thủ điều này, dù thông minh đến đâu thì cũng có ngày con bị cám dỗ. Điều này có thể phá hoại cả cuộc đời con, từ lúc vị thành niên, học đại học cho đến khi đã trưởng thành. Thế giới rất rộng lớn và quyền năng. Vì vậy, nếu đã mang trong mình tiếng xấu giữa cái thế giới ấy, con gần như không thể làm cho nó biến mất được.
13. Không được chụp, quay quá nhiều video. Đó là điều không cần thiết. Hãy sống và trải nghiệm. Mọi thứ sẽ được lưu lại trong đầu con mãi mãi.
14. Thi thoảng hãy để điện thoại ở nhà để cảm thấy mình yên tâm khi không có nó. Nó không phải là một phần cuộc sống của con. Hãy học cách sống thiếu điện thoại. Hãy trở nên mạnh mẽ hơn là lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.
15. Hãy tải các thể loại nhạc mới, cổ điển hoặc khác biệt hẳn so với các bạn bè của con. Thế hệ của các con giờ được tiếp xúc với âm nhạc tốt hơn nhiều so với ngày xưa. Vì vậy hãy tận dụng lấy món quà này và mở mang tầm hiểu biết của mình.
16. Hãy luôn chơi các trò chơi có liên quan đến từ ngữ, xếp hình hoặc luyện trí não mỗi ngày.
17. Đừng bao giờ chúi đầu vào điện thoại mà hãy luôn ngẩng lên để nhìn thế giới xung quanh. Nhìn ra ngoài cửa sổ. Nghe chim hót. Đi bộ. Nói chuyện với người lạ. Hãy tự tìm ra câu trả lời thay vì tìm trên Google.
18. Nếu làm sai, mẹ sẽ tịch thu máy. Chúng ta sẽ ngồi nói chuyện và bắt đầu lại từ đầu. Mẹ và con đều phải học hỏi. Mẹ luôn đứng về phía con. Chúng ta đứng trong cùng một đội.
Vui mừng khi nhận được món quà nhưng khi mở mẩu giấy ra đọc, câu đầu tiên Greg Hoffman thốt ra là: “Trời ơi, sao mẹ lại làm thế này?”. “Điều tôi muốn làm là dạy và chỉ cho con cách trở thành người dùng có trách nhiệm, không lạm dụng hay bị công nghệ gây nghiện”, mẹ của Greg, giải thích khi kể về câu chuyện này trên Good Morning America.
Bên cạnh những quy định khắt khe, bức thư của bà Janet Hoffman vẫn có những đoạn xúc động: “Gregory thân mến, chúc mừng sinh nhật con. Chắc hẳn con cảm thấy rất tự hào vì mình đã là chủ sở hữu của một chiếc iPhone. Thật là tuyệt phải không! Một bé trai 13 tuổi ngoan và có trách nhiệm như con xứng đáng được hưởng món quá như thế này…
Mẹ mong con sẽ hiểu được rằng tất cả những gì mẹ muốn chỉ là nuôi con trở thành một chàng trai trẻ khoẻ mạnh, được phát triển toàn diện, có thể làm chủ thế giới, cùng tồn tại được với công nghệ chứ không phải trở thành nô lệ của nó. Nếu không thực hiện được những quy định của mẹ, con cũng mất quyền sở hữu chiếc iPhone này luôn”.
Josh Shipp, một chuyên gia tâm lý trẻ em vị thành niên, cho biết, cách dạy con của bà Janet Hoffman cần được áp dụng rộng rãi hơn nữa.
Khảo sát trên 6.500 độc giả của VnExpress.net khi được hỏi “Bạn thấy cách dạy con dùng điện thoại của bà mẹ này thế nào?”, có 86% cho rằng cách này rất hay, 14% nhận xét là bình thường và nhảm nhí.
Độc giả Huỳnh Long Vinh bình luận đây là “một cách dạy con rất hay mà nhiều người cần học hỏi”. Song bên cạnh đó một số bạn đọc cho rằng cậu bé 13 tuổi còn quá nhỏ để được sở hữu một chiếc smartphone đắt tiền như thế.
Khảo sát trên VnExpress.net ngày 2/1.
Bày tỏ quan điểm về cách tặng quà của người mẹ trên, thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM nhìn nhận vấn đề ở 4 khía cạnh sau:
- Thứ nhất về việc tặng quà: quà tặng là một trong những điều làm cho cuộc sống thêm thú vị, cha mẹ nên thường xuyên tặng con những món quà phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình cũng như đúng với nguyện vọng mong muốn của đứa con.
- Thứ hai về cách giáo dục con: Việc đưa ra chỉ dẫn, phân tích, nguyên tắc để nuôi dạy con là rất cần thiết. Cha mẹ nào cũng nên dạy con những nguyên tắc ứng xử trong cuộc sống kể cả cách ứng xử khi sử dụng công nghệ thời hiện đại giống như bà mẹ Mỹ trên. Hơn nữa một số nguyên tắc ứng xử cần phải dạy trước ngay cả khi chưa biết sử dụng công nghệ hiện đại như: Không được gửi hoặc nhận các hình ảnh có liên quan đến những phần nhạy cảm trên cơ thể của con lẫn những người khác; Không cho phép mình tham gia vào những cuộc trò chuyện có thể gây tổn thương cho người khác…
- Tuy nhiên nguyên tắc tặng quà là không can thiệp đến cách sử dụng món quà, thì đó mới là “tặng” thật sự. Nếu can thiệp quá sâu thì không còn đúng ý nghĩa là quà tặng. Theo bà Minh, trong cách giáo dục, cha mẹ không nên can thiệp quá sâu vào đời sống của con mà hãy để cho trẻ được là chính nó chứ không phải là robot công nghiệp. “Người cha mẹ tuyệt vời là người làm cho con mình biết tự trưởng thành dưới sự định hướng, dẫn dắt nhưng không áp đặt lên nó″.
- Trong bối cảnh và văn hóa Việt Nam, vị thạc sĩ Tâm lý học cho rằng cha mẹ không nên tặng cho con một chiếc iPhone đắt tiền như thế, bởi như thế trẻ không sẽ hiểu hết giá trị của cuộc sống, đặc biệt là cậu bé mới 13 tuổi.
Thi Trân
Post a Comment