Ở Trung Quốc, Xiaomi được hâm mộ như Apple tại Mỹ. “Báo chí gọi tôi là Steve Jobs của Trung Quốc”, nhà sáng lập Lei Jun cho hay. “Tôi coi đây là một lời khen nhưng sự so sánh ấy cũng tạo áp lực rất lớn”.
Doanh nhân 42 tuổi này có phong cách ăn mặc khá giống huyền thoại công nghệ thế giới với quần jean và áo phông đen. Ông có một lượng “fan” hùng hậu – những người yêu thích mẫu smartphone tầm trung và cao cấp do Xiaomi phát triển.
Nhà sáng lập Lei Jun.
Sinh ra ở Tiên Đào, một thành phố nhỏ ở tỉnh Hồ Bắc, từ nhỏ Lei đã yêu thích việc lắp ráp và sửa chữa radio. Ông là đồng sáng lập Joyo.cn, sau này được bán lại cho Amazon.com với giá 75 triệu USD.
Xiaomi thành lập vào tháng 4/2010 nhưng mới bắt đầu kinh doanh smartphone cách đây tròn 1 năm (từ tháng 10/2011). ”Xiaomi và Apple là hai công ty hoàn toàn khác nhau. Chúng tôi hoạt động trên Internet và thực hiện chiến lược kinh doanh không giống Apple”, Lei khẳng định.
Khác với các tên tuổi lớn trong lĩnh vực smartphone ở Trung Quốc là Lenovo, ZTE, Huawei vốn hợp tác và ký những hợp đồng lớn với các hãng viễn thông, Xiaomi bán điện thoại qua mạng theo từng đợt nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, chiến lược này lại gây sự chú ý lớn. Đợt bán hàng đầu tiên bao gồm 50.000 máy trong ngày 30/10/2011 được đặt mua hết chỉ sau chưa đầy 2 phút. Các đợt bán tiếp theo với số lượng lớn hơn cũng hết veo trong thời gian được tính bằng phút.
Xiaomi Phone 2.
Lei hiện thu hút 4 triệu người theo đuôi trên tiểu blog Weibo và ông kích thích sự chú ý của người hâm mộ bằng cách đưa ra các thông tin ẩn ý về sản phẩm mới cũng như ngày ra mắt. ”Chúng tôi không theo đuổi doanh số sản phẩm. Chúng tôi cố gắng làm hài lòng khách hàng và tìm cách mang đến cho họ bất ngờ lớn”, Lei giải thích. “Dù mới bán smartphone một năm, doanh thu dự kiến của chúng tôi sẽ là 2 tỷ USD năm 2012. Đó là một con số ấn tượng”. Dù vậy, ông cho biết Xiaomi chưa tính chuyện niêm yết trên thị trường chứng khoán trong khoảng 5 năm tới.
Tại Trung Quốc, ZTE và Huawei đặt ra mục tiêu doanh số lên tới 30-60 triệu máy. Họ đã có vị trí vững chắc trong mảng điện thoại giá rẻ nhưng đang muốn đẩy mạnh các dòng cao cấp. Còn Xiaomi mới đạt thị phần nhỏ nhưng lại chiếm được tình cảm của khách hàng. Không ít người cảm thấy hãnh diện khi cầm điện thoại Xiaomi.
“Trong ngành công nghiệp này, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là lấy được lòng tin và sự yêu mến của khách hàng. Nếu bạn làm được điều đó, bạn đã thành công”, Lei khẳng định.
Theo Forbes, ngoài tài năng kinh doanh smartphone, Lei còn là nhà đầu tư nổi tiếng ở Trung Quốc. Ông hiện sở hữu số cổ phần trị giá hơn 1 tỷ USD tại 4 công ty thương mại điện tử khác nhau.
Châu An
Post a Comment