Hệ thống điện thoại mất tín hiệu, mạng Internet không truyền được dữ liệu, các đường truyền tín hiệu cảm ứng không ổn định gây khó khăn trong việc giám sát tài nguyên và năng lượng… Những điều nghe khá to tát và thuần kỹ thuật nhưng lại luôn có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến đời sống hằng ngày của mỗi chúng ta hiện nay.
Các nghiên cứu về truyền thông hợp tác và vô tuyến thông minh đang được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Đại học Duy Tân xúc tiến đã bước đầu thành công trong việc tiếp cận để giải quyết các vấn đề trên khi 2 bài báo gần đây của nhóm nghiên cứu Truyền thông Đa Phương tiện (CEMC- Centre of Excellence for Multimedia Communications) được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Kỹ sư Điện tử – Viễn thông Nhật Bản IEICE – tạp chí hàng đầu châu Á về Điện tử Viễn thông (nằm trong danh mục ISI *).
Bài báo của nhóm CEMC Đại học Duy Tân đăng trên tạp chí quốc Tế IEICE
Thành lập tháng 5.2012, nhóm CEMC – Đại học Duy Tân đã đặt lên hàng đầu sứ mạng nghiên cứu khoa học, với tham vọng phát triển trở thành mô hình nghiên cứu kiểu mẫu trong lĩnh vực khoa học máy tính, công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam.
Sau 5 tháng thành lập, cùng với nỗ lực và niềm đam mê, TS. Hà Đắc Bình, Trưởng nhóm CEMC (kiêm cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển DTU) cùng 4 thành viên khác trong nhóm đã công bố bài báo đầu tiên "Outage Analysis for Amplify-and-Forward Relay with End-to-End Antenna Selection over Non-Identical Nakagami-m Enviroment" (Phân tích Hiệu năng Mạng chuyển tiếp AF với sự Lựa chọn ăn-ten Đầu cuối trong Môi trường Nakagami-m Không giống nhau) trên tạp chí IEICE vào tháng 10.2012.
TS. Hà Đắc Bình - Trưởng nhóm CEMC
Trước thành công ban đầu về các thông số mô phỏng cùng thuật toán chính xác để đánh giá hiệu năng chung trong mạng truyền thông của nhóm CEMC-DTU, tạp chí của Hiệp hội Kỹ sư Điện tử – Viễn thông Nhật Bản IEICE đã đồng ý tiếp tục đăng bài báo thứ 2 "Cognitive Fixed-Gain Amplify-and-Forward Relay Networks under Interference Constraints" (Phân tích Hiệu năng Mạng chuyển tiếp AF Nhận thức với Độ lợi Cố định dưới các Ảnh hưởng của Nhiễu) của nhóm vào số tháng 01.2013.
TS. Hà Đắc Bình cho biết: "Với hai công bố này, nhóm CEMC – Đại học Duy Tân đã góp phần nghiên cứu kỹ thuật mới cho mạng vô tuyến ở thế hệ tiếp theo. Hiện nay, rất nhiều vấn đề về chuyển tiếp và hợp tác trong lĩnh vực viễn thông đang được toàn thế giới nghiên cứu, chứng tỏ lĩnh vực này thực sự cần thiết để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về giao tiếp, giám sát… của con người. Với những kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm ban đầu, các nhà quy hoạch mạng, các nhà quản lý, các nhà sản xuất thiết bị viễn thông có thể tham khảo và ứng dụng vào thực tế".
Đáp ứng mong muốn của Ban giám hiệu nhà trường về việc xây dựng năng lực nghiên cứu Điện tử – Viễn thông, nhóm CEMC Đại học Duy Tân đang tiếp tục thực hiện các nghiên cứu về truyền thông đa phương tiện đồng thời tổ chức các báo cáo chuyên đề như "Bảo mật Thông tin ở Lớp Vật lý: Một số Giao thức Hiệu quả và Đánh giá Hiệu năng", "Phân bố bit Tối ưu cho Luồng video P2P Đa nguồn – Đa đường trong Hệ thống VoD qua Mạng không dây dạng Lưới",… Đặc biệt, trong tháng 01.2013, Đại học Duy Tân sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Vô tuyến Việt Nam tổ chức Hội nghị Quốc tế về Máy tính, Quản lý và Viễn thông – hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự chủ trì và tài trợ của Hiệp hội Điện, Điện tử, Viễn thông Quốc tế IEEE – hiệp hội khoa học danh giá nhất thế giới về Điện tử – Viễn thông.
Với việc đầu tư phát triển lực lượng nghiên cứu và xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm trong thời gian qua, Đại học Duy Tân đang khao khát phát triển thành “một đại học đào tạo gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm“. Mục tiêu đạt được 20 công bố quốc tế mỗi năm trong các mảng Toán học, Vật lý, Sinh học Phân tử, Dược học, Điện tử – Viễn thông, Tin học và Xây dựng, tuy còn nhỏ bé so với các bậc đàn anh trong làng đại học Việt Nam, nhưng đã phần nào thể hiện niềm khao khát đó. Hy vọng, niềm đam mê nghiên cứu khoa học cùng khát khao sáng tạo sẽ mang lại cho những nhà khoa học Duy Tân những bước tiến mới và thành công mới trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức.
* Những bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học có trong danh mục ISI (Institute for Scientific Information) được giới khoa học biết đến như những công trình nghiên cứu xuất sắc, có khả năng ứng dụng vào thực tế và luôn được ngưỡng mộ, tôn vinh. Với hơn 10.000 tài liệu được lựa chọn khách quan, qua kiểm chứng của nhiều chuyên gia, ISI đã trở thành kho dữ liệu khoa học uy tín để toàn thế giới kham khảo và tìm hiểu.
T.T.D.V
Post a Comment