Khi còn sống, CEO Steve Jobs là người theo trường phái hoàn hảo. Ông không thể nào chịu đựng bất kỳ một sai sót hay yếu kém trong các sản phẩm của mình.
Nhớ lại "thảm họa" MobileMe ra mắt năm 2008 đã cho thấy Jobs "dị ứng" như thế nào với những sản phẩm "không ra gì". Người được cho là "thiên tài" này đã gọi tất cả nhóm phát triển MobileMe vào phòng họp, và không ngớt lời "tra tấn" vì sự yếu kém của họ. Và, tất nhiên, người đứng đầu đã bị sa thải trước mặt tất cả mọi người. Chi tiết quan trọng này đã được nhà văn Walter Isaacson đưa vào tiểu sử của Steve Jobs.
3 sản phẩm đình đám đã làm nên thương hiệu Apple, một công ty đắt giá nhất hành tinh - đó chính là iPod, iPhone và iPad. Mỗi sản phẩm tung ra của Apple đều khiến cho các đối thủ phải chạy theo để trầm trồ thán phục, để bắt chước.
Tuy nhiên, sự vội vàng trong kế hoạch "truất ngôi" Google Maps trên nền tảng iOS 6 của Apple dường như là một điều đáng chê trách. Apple đã sử dụng hệ thống bản đồ mới của mình để thay thế cho một ứng dụng được xem là chuẩn mực. Điều đáng nói, Apple Maps đã khiến thế giới "méo mó" dưới góc nhìn của mình. Khi bản đồ trở thành một tính năng thiết yếu trên smartphone thì việc Apple vội vàng với những lỗi ngớ ngẩn đến khó tin đã khiến người dùng thất vọng rất nhiều.
Có thể đây chỉ là sai lầm nhất thời, và Apple sẽ nhanh chóng sửa lỗi. Nhưng chính sự ngớ ngẩn của một công ty đắt giá nhất hành tinh đã tạo ra một "kho báu" cho các công ty nhỏ hơn nhảy vào khai thác.
Đi tìm nguyên nhân của sự "ngớ ngẩn" này, giới truyền thông cũng như giới công nghệ cho rằng Apple đã đạt ngưỡng của sự đột phá khi không còn Steve Jobs bên cạnh. Apple khó lòng tìm được một người đủ tài năng và trí tuệ như CEO quá cố để tạo ra những sản phẩm khiến cả thế giới "điên loạn".
Khi Steve Jobs còn sống, sự sáng tạo là thế mạnh của Apple thì nay, khi Jobs ra đi, Apple dường như đã thể hiện điểm yếu chính là thế mạnh một thời của mình. Ban lãnh đạo của Apple hiện tại không dám mạo hiểm sáng tạo bởi không phải ai học theo vĩ nhân cũng trở thành vĩ nhân. Thảm họa bản đồ là một bằng chứng cho thấy điều đó.
Larry Keeley, một nhà phân tích của công ty Doblin cho rằng: "Khi mô hình kinh doanh đã đi vào quỹ đạo, ban giám đốc sẽ không dám làm một điều gì đó để thay đổi bởi có thể hủy hoại tất cả gì gì họ đã làm được".
Điều này đúng với tất cả mọi lĩnh vực nhưng đặc biệt dễ nhận thấy với ngành công nghệ vốn thay đổi một cách chóng mặt. 15 năm trước, Microsoft dường như là bất khả chiến bại.
Khi Windows và phần mềm Office đã trở thành "mỏ vàng" thì chiến lược của Microsoft dường như chỉ xoay quanh việc bảo vệ 2 "con bò đẻ trứng vàng" này. Trong khi Microsoft mải mê gặt hái thành quả từ 2 sản phẩm đình đám của mình thì các sản phẩm tương tự với những cải tiến mạnh mẽ của các đối thủ đã được tung ra.
Apple đã đi theo vết xe đổ của Microsoft. Và, không có gì ngạc nhiên khi Apple chấp nhận chi nhiều tiền vào các cuộc chiến bản quyền nhằm bảo vệ "ngai vàng" của mình.
Quyết định thay thế Google Maps trên iOS 6 là một động thái tiếp theo của Apple nhằm bảo vệ "lẽ phải" theo chính quan niệm của hãng. Từng một thời là đối tác thân thiết, giờ đây, Google đã trở thành đối thủ, và Apple không cho phép Google khai thác quảng cáo trên nền tảng của hãng. Điều đáng nói là Apple không còn quan tâm tới đánh giá của người dùng, họ buộc người dùng sử dụng sản phẩm của chính hãng cho dù sản phẩm đó không thể tốt như của đối thủ.
Post a Comment