Nếu Steve Jobs còn sống, chắc hẳn ông sẽ không bao giờ chấp nhận một ứng dụng thảm họa như dịch vụ bản đồ trên iPhone 5.
Apple đã thay thế bản đồ Google Maps bằng dịch vụ mới của họ trên hệ điều hành iOS 6. Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng xuất hiện, người sử dụng đã chia sẻ hàng loạt lỗi liên quan đến chương trình này như các con đường méo mó, những cây cầu như sắp sập, dữ liệu thiếu trầm trọng và chỉ đường sai… Apple từng có không ít sản phẩm thất bại, nhưng họ hiếm khi cho ra đời một công cụ non kém đến như vậy.
Steve Jobs, cố CEO của Apple, là một người luôn đòi hỏi sự hoàn hảo và không khoan nhượng trước sai lầm. Ông không chấp nhận những sản phẩm hạng xoàng. Lần cuối người ta thấy Apple tung ra một sản phẩm “dưới chuẩn” là MobileMe năm 2008. Khi đó, Jobs gọi cả đội vào phòng họp, xỉ vả họ vì “làm tổn hại thanh danh của Apple” và sa thải trưởng nhóm ngay trước mặt những người khác. Câu chuyện này được cả cây bút nổi tiếng Adam Lashinsky kể trên tạp chí Fortune (Mỹ) và tác giả Walter Isaacson nhắc lại trong cuốn tiểu sử Steve Jobs.
Dịch vụ nào trong giai đoạn đầu, nhất là bản đồ vốn đòi hỏi cơ sở dữ liệu khổng lồ, đều khó tránh khỏi lỗi. Tuy nhiên, khi Apple từ bỏ Google Maps – ứng dụng đã trở thành chuẩn trên thế giới, người ta tin rằng hẳn Apple đã có thời gian để phát triển một dịch vụ tốt hơn hoặc ít nhất cũng “gần bằng” thì mới mạnh dạn thay thế phần mềm của đối thủ. Kết quả là người sử dụng đùa rằng họ như thấy ngày tận thế 2012 đang đến gần sau khi tra cứu trên bản đồ Apple. Nokia, Samsung và Motorola cùng đồng loạt chế giễu sự yếu kém trong dịch vụ mới trên iOS và tranh thủ quảng cáo thiết bị của họ. Đây được coi là sai lầm không thể lí giải của Apple khi họ tự xóa sổ hình ảnh công ty luôn “ám ảnh” bởi sự hoàn hảo, sáng tạo và tỉ mỉ đến từng chi tiết mà họ đã gây dựng trong bao năm qua.
Bộ ba iPod, iPhone và iPad đưa Apple trở thành công ty giá trị nhất thế giới và buộc các đối thủ phải chạy theo các đổi mới của họ. Phản ứng của người tiêu dùng trong ngày ra mắt 21/9 cho thấy iPhone 5 sẽ là một “bom tấn” mới của hãng này. Nhưng người ta không tìm thấy sự đổi mới thực sự nào trong sản phẩm đó. Trong triết lí kinh doanh của Apple có cụm từ Halo Effect – hiệu ứng vầng hào quang – được lí giải là khi khách hàng hài lòng với một sản phẩm nào đó, họ sẵn sàng tiếp tục mua các sản phẩm Apple khác với giá cao hơn như một sự nâng cấp tự nhiên. Vòng hào quang này vẫn còn mạnh, iPhone 5 vẫn là mẫu điện thoại hấp dẫn nhưng đã bắt đầu bị đánh giá là nhàm chán.
Apple sẽ kiếm được lợi nhuận cao trong vài năm tới và có khả năng vẫn còn một thiết bị đột phá nữa (Apple TV) nhờ những gì Steve Jobs để lại. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nói rằng họ sẽ ngạc nhiên nếu sau đó hãng này có thể cho ra đời một sản phẩm biến đổi thị trường như iPhone và iPad. Đơn giản là vì Steve Jobs không còn nữa. Đội ngũ lãnh đạo của Apple cố duy trì văn hóa sáng tạo mà Jobs để lại, nhưng người ta không thể tư duy và hành động như một “vĩ nhân” chỉ bằng việc học theo một vĩ nhân khác. Thảm họa bản đồ đã nói lên điều đó.
Ngoài ra, Larry Keeley, chuyên gia của hãng tư vấn Doblin nhận định, ban lãnh đạo Apple sẽ không dám mạo hiểm đổi mới bởi họ đang rất thành công, đang là số một trên thị trường và bất cứ thay đổi nào cũng có thể dẫn tới thất bại. Vì thế, họ làm tất cả để bảo vệ những gì họ đang có, và việc đó đồng nghĩa họ không còn sáng tạo nữa, hoặc không dám biến những sáng tạo của họ thành hiện thực.
Điều này xảy ra trong mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực công nghệ. Chưa đầy 15 năm trước, Microsoft làm mưa làm gió trong mảng phần mềm. Hệ điều hành Windows và ứng dụng văn phòng Office trở thành “máy in tiền” của hãng và từ đó, mọi chiến lược đều xoay quanh việc đảm bảo hai sản phẩm này vận hành trơn tru. Microsoft loại bỏ nhiều đề xuất sáng tạo của các nhân viên chỉ vì chúng không phù hợp với Windows và Office (được phơi bày trong bài viết “Một thập kỉ lạc lối” của Vanity Fair). Dù hiện Microsoft vẫn là một thế lực lớn, họ không phải công ty bất khả chiến bại như trước.
Giới quan sát cho rằng không có gì khó hiểu khi Apple đang đi vào vết xe đổ của Microsoft. Bằng chứng dễ thấy nhất chính là cuộc chiến bản quyền với Samsung khi họ công khai tất cả các bí mật của mình chỉ để chứng minh Samsung đã sai nhằm bảo vệ thành quả.
Giờ họ lại quyết định không dùng Google Maps. Từng là đối tác, hiện Google là đối thủ của Apple nên hãng này không muốn quảng bá cho sản phẩm của đối thủ nữa. Họ buộc khách hàng dùng sản phẩm mới dù chúng không tốt. Một khi các công ty sẵn sàng đặt chiến lược kinh doanh lên trên trải nghiệm người dùng, họ đã làm suy yếu chính mình. Báo The New York Times cho rằng, kể cả Steve Jobs còn sống, Apple cũng khó tránh được sai lầm này. Đó là bản chất của chủ nghĩa tư bản: Khi các công ty lớn chuyển sang phòng thủ và không dám đổi mới thì sẽ có hàng loạt công ty nhỏ vươn lên với những ý tưởng thông minh hơn.
Tập ảnh: Kết quả thảm hại của Apple Maps trong iOS 6 (26 hình)
Theo Số Hóa
Post a Comment